nghệ thuật, mỹ thuật và Ngân

Mình bắt đầu làm quen với bút chì và kỹ thuật vẽ rồi đánh bóng hình khối từ những năm cấp 1. Không hiểu tại sao ba mình lại nhờ một anh tên Đạt (mình gọi là thầy Đạt) dạy mình môn này suốt mấy tháng. Thú thật là… nó chán, chán tới mức làm mình phát bực: mình bức hình khối vuông và một cây bút chì than trong tay, việc mình cần làm là làm sao để cho nó có hình ảnh được đổ bóng hệt như ở ngoài: khi ánh sáng chiếu vào vật thể khối vuông. Bước đường đầu tiên làm quen với mỹ thuật của mình nó… vô duyên vậy đó.

Lớn hơn chút, cũng là cấp 1, mình thích vẽ lại những bức tranh từ truyện hay tạp chí. Có lần ngồi giờ học thêm chán quá, mình sao chép vẽ lại Ash Ketchum, Pikachu và thế giới Pokémon. Mình không giỏi vẽ, lại không giỏi tưởng tượng, nhưng bắt chước thì mình làm tốt. Thậm chí với mình, kỹ năng ánh xạ và bắt chước là một trong những kỹ năng vào đời quan trọng và góp phần thành con người mình như ngày hôm nay.

Năm lớp 4, khi học vẽ, cô giáo mình nhắc nhở, cuộc sống là những mảng màu đa sắc và chúng hoà quyện vào nhau chứ không phải bầu trời chỉ có màu xanh nước biển tẻ nhạt hay mây trắng trôi vô định. Đó là lúc mình dần hiểu, vẽ vời không chỉ là những bức tranh được đánh tối/sáng bằng chì than, hay cũng không phải là những màu độc nhất cho từng vật thể, mà còn là những gom màu sắc khác nhau được pha trộn theo kiểu phá cách độc đáo.

“you too must mingle my friends 
since the earth and the sky 
are mingled just for you and me”
(Life & Death – Rumi)

Lớp 6, mình lần đầu được biết đến bảo tàng Louvre qua thầy Triết dạy mỹ thuật của mình, mình được biết đến Mona Lisa qua quyển Kiến Thức Ngày Nay. Thời đó, mình không hiểu được tại sao một bức tranh có cô gái mỉm cười bí ẩn đó lại trở thành kiệt tác của nhân loại với hàng chục hàng giả thuyết và bình luận xung quanh. Thậm chí, mình còn nhớ một tiêu đề bài báo mình từng được đọc thời đó là: “Mona Lisa – chiếc lưng trên môi người đàn bà đẹp.”

Cũng trong năm lớp 6, khi đăng ký thi học sinh giỏi cấp quận, mình đã đăng ký thi 3 môn với tiêu chí vui là chính: Môn Ngữ Văn (Khoa Học Xã Hội), môn Sinh Học (Khoa Học Tự Nhiên), môn Mỹ Thuật (Năng Khiếu). Ngày có kết quả, mình rất bất ngờ: Giải Nhất môn Sinh Học, giải Nhì môn Ngữ Văn, giải Khuyến Khích môn Mỹ Thuật. Trong năm đó, mình có vẽ 2 bức tranh trừu tượng khác gửi thầy Triết xem; có lần thầy gợi ý mình nên thử học cách vẽ tranh sơn dầu và có thể thử chuyển 2 bức tranh mình đã vẽ gửi thầy lên nền vải. Ở cái thời ham chơi hơn ham làm (thiệt ra tới giờ, mình vẫn vậy), thì dĩ nhiên là, mình đã xếp gọn tất cả những điều đó vào một góc và chỉ thích thú tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật từ bạn bè. Thời mình đi học, có nhiều bạn vẽ đẹp và xịn lắm, mình tự thấy mình sẽ không giỏi bằng ai nên mình… xếp cọ lại cho đến bây giờ.

Cuộc sống cuốn mình đi với nhiều điều mới mẻ mỗi ngày trong giới công nghệ; hay những mô hình kinh doanh độc đáo làm mình phấn khích mỗi ngày. Thấm thoát cũng hơn 17 năm kể từ ngày xếp cọ. Một chút nghệ thuật mỹ thuật trong mình cứ bị vùi lấp trong mớ thông tin hiện đại chất chồng đến ngộp thở hàng ngày. Mình cứ mặc định, mình không biết gì về nghệ thuật, mình không hiểu gì, mình từ chối tiếp cận lại với nghệ thuật. Nghĩ lại, vì thời điểm từ lúc nhỏ tới khi trưởng thành, mối bận tâm chung của gia đình và những người xung quanh mình là cơm ăn hàng ngày: chưa no bụng thì đâu ai khuyến khích mình bước vào giới nghệ thuật ra sao đâu. Và điều đó ở lúc ấy cũng bình thường.

5 năm trước, mình có nhân duyên gặp một người, người đã đánh thức một phần tình yêu nghệ thuật trong mình thức dậy. Những lần hai đứa đi xem tranh, đi nghe nhạc, những lần nghe người đó cảm nhận về thơ ca văn từ, mình phần lớn vẫn chưa hiểu gì nhưng thấy cũng hay hay vì ngược lại với mối quan tâm về khoa học công nghệ của mình khi đó. Dần dà, mình cũng bắt đầu có thói quen đi thêm bảo tàng nghệ thuật ở bất cứ nơi nào mình đến, dù là ở trong Việt Nam hay đi nước ngoài. Cũng từ đó, mình cũng bắt đầu học cách nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật chậm rãi hơn, có chiều sâu hơn. Mình đi vẽ lại, dù chỉ ở các workshops là chính, nhưng làm thế để thấy bản thân mình đã có gì thay đổi trong nhiều năm trời ngủ quên. Nhờ nhiều nhân duyên khác, mình bắt đầu chớm nở tình yêu với lịch sử. Đến năm ngoái, mình học cách liên tưởng về lịch sử với các tác phẩm nghệ thuật để đầu óc tha hồ bay bổng với trí tưởng tượng như thời trẻ con của mình.

Vài năm trước, mình cũng bắt đầu học cách hỗ trợ các nghệ sĩ hoạ sĩ trẻ bằng việc mua tác phẩm nghệ thuật của họ: như những bức tranh vẽ theo kỹ thuật vẽ rối của em Sơn Tùng – Siêu Trí Tuệ Việt Nam năm 2021; hay như Sylvo – một người đam mê vẽ với bộ sưu tập Daily Practice 2022, mỗi ngày là một bức tranh khác nhau (mình sở hữu bức 22.02.2022, là phiên bản duy nhất mà người mua được sở hữu hai định dạng vẽ tay lẫn NFT). Cuối năm ngoái, mình đắm chìm trong quyển The Art of Buying Art của Alan Bamberger; phiên bản tiếng VIệt được người chị yêu dấu Khổng Loan dịch lại với tựa đề “Nghệ thuật mua Nghệ Thuật” – sách hay nên mua nha mọi người. Khoảnh khắc giao thừa của năm nay, 2023, trong lúc chiêm nghiệm những điều đã qua, mình cảm thấy mình như đang chầm chậm đi về chăm chút lại một mảnh vườn nghệ thuật trong tâm hồn của mình đã bị bỏ hoang trong nhiều năm. Ở nơi đó, mình vẫn thấy có một bông hoa xương rồng nằm im chờ được chăm chút nhiều hơn để nở bung mềm mại.

Mình ghé qua Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM, cảm giác như vừa có cuộc dạo chơi với phiên bản chính mình của hơn 20 năm trước, một cảm giác “gặp lại” tròn đầy đẹp đẽ. Trước khi ghé ở phía triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ trẻ Việt Nam năm 2023, mình đi lại một vòng để nhìn thả hồn vào chút man mác buồn vì nhớ nhà các tác phẩm của nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam, Lê Thị Lựu; hay cảm thấy choáng ngợp với tác phẩm mất đến 20 năm để hoàn thành của Nguyễn Gia Trí. Tâm hồn mình rộn ràng và phấn khích không khác gì những lần nghe startups pitch khi bước đến triển lãm chuyên đề của các tác phẩm vừa đoạt giải thưởng mỹ thuật 2023. Một cảm giác đặc biệt ở một buổi chiều đặc biệt. Những cảm xúc lâng lâng, hạnh phúc như được tìm về một điều rất quen thuộc. Cũng từ khoảnh khắc đó, mình tự nói với mình, sẽ không để nghệ thuật mỹ thuật rời khỏi con người mình như trước đây nữa…

Bạn có tin là mọi thứ không có gì là tự nhiên và chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó hay không? Những ký ức, bài báo, câu từ mà bạn vô tình nhớ trong tiềm thức, nó không hề vô tình. Nó vẫn luôn ở đó để nhắc nhở về một phần của con người bạn, dù rằng bạn có cố quên, hay cố ép mình không thừa nhận nó. Những người bạn gặp trong đời cũng là những nhân duyên giúp bạn nhận ra bạn là ai, điều gì làm nên bạn; chứ chưa chắc đã là gặp người khác để hiểu về người khác. Nếu một ngày bạn tìm thấy lại những phần tạo nên con người mình ở đâu đó, thì xin chúc mừng bạn đã “về nhà”.

“my beloved grows
right out of my own heart 
how much more union can there be”
(Life & Death – Rumi)