Suy nghĩ về: Ý nghĩa cuộc sống

Không biết vô tình hay hữu ý mà có một thông điệp rất rõ ràng đến từ phim Deadpool 2, quyển sách Man’s search for meaning và một bài viết của Mark Manson – cả ba đều xoay quanh đến “meaning of life”. Tự nhận thấy giai đoạn này của bản thân không đến nỗi nào, thế nhưng cứ nghĩ đến cụm từ ý nghĩa cuộc sống cũng đều khiến bản thân tôi dừng lại một chút để nhìn lại mọi thứ.

Tôi ấn tượng với câu nói mà bà Al đã nói với Deadpool như thế này vào lúc Deadpool đau khổ nhất: “You cant really live until you’ve died a little”. Tôi cũng ấn tượng với thông điệp rõ ràng nhất mà Viktor Frankl đã truyền tải về mối tương quan giữa nghịch cảnh và ý nghĩa của cuộc sống. Trong bài viết của Mark Manson nói về chuyện chia tay, một đoạn mà tôi cảm thấy hứng thú nhất đó chính là: That feeling of emptiness we all feel when we lose someone we love is actually a lack of meaning and lack of identity. There is, quite literally, a hole inside of ourselves. Everything becomes a blank void, empty of any real purpose, and we might even begin to wonder if there’s really any point to life at all.” https://markmanson.net/how-to-get-over-someone. Có lẽ, tôi từng trải qua cả ba cảm giác trên rồi nên khi nhiều người xung quanh tôi vẫn loay hoay tìm kiếm thứ mà họ cho là “meaning” trong nhiều việc, hay thậm chí có người cứ phải đau đầu “meaning of life” của mình, trong khi đó, từ lâu tôi đã bỏ ý tưởng theo đuổi “meaning of life”, thay vào đó là việc thực sự sống mỗi ngày sao cho trọn vẹn nhất và không có gì để hối hận về sau.

Tiệm cận cái chết và Tình cảm gia đình

Trộm vía nhờ trời thương nên cho đến bây giờ tôi vẫn sống tốt sống khoẻ, nhưng tôi cũng đã xém chết mấy lần. Lúc nhỏ khi đi xuồng với ba mẹ, cả nhà tôi bị xà lan tông thẳng vào xuồng giữa đêm, cả nhà không ai biết bơi và cứ tuyệt vọng bám trên thành xà lan sau khi uống nước no nóc. Trong lúc đó, tôi vẫn nhớ giọng mẹ tôi kêu cứu, và cũng chỉ có mong muốn là cứu tôi. Có thể với nhiều người, đây là hành động bình thường, nhưng thực sự với tôi, nó để lại nhiều ấn tượng mạnh. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình, trước đó, tôi quá nhỏ và quá vô tư, tôi thường nghe nói về chuyện mẹ yêu con hay ba yêu con nhưng không hiểu tình cảm đó là gì. Thử tưởng tượng xem, bạn vẫn thường xem rằng tình cảm của ba mẹ dành cho bạn là thứ nghiễm nhiên (take it for granted), bạn nghĩ rằng mẹ bạn sẽ ở đó chăm sóc bạn mãi, bạn nghĩ rằng ba bạn có giận bạn đến cách nào cũng không bao giờ bỏ rơi bạn. Nhưng bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn về tình cảm gia đình và nhất là tấm lòng cha mẹ khi tiệm cận cái chết và lựa chọn của họ là sẵn sàng chết để bạn được sống. Mấy khi trong đời bạn sẽ có được những khoảnh khắc đắt giá như vậy và biết sống tốt với ba mẹ mình hơn?

Tôi thường không thể hiện tình cảm nhiều với ba mẹ mình, nhưng sau sự cố đó, tôi biết rằng tất cả những gì trong cuộc sống này tôi làm cũng là phần lớn dành cho ba mẹ, một cách chân thành và thẳng thắn nhất thì luôn là như vậy. Ba mẹ tôi còn nhiều hi sinh lớn lao khác dành cho tôi, nhưng từ giây phút trên kia, dù nó mỏng manh, nhưng nó đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều.

Những điều/người quan trọng và Phần lớn số đông

Như bao người khác, tôi từng rất ham thích mình nổi tiếng, thành đạt và được xã hội công nhận. Không ai phủ nhận những hào quang bóng bẩy là không hấp dẫn, hay như việc đi ra ngoài được người này người kia nhận ra xin selfie chung là một cảm giác đặc biệt không phải mấy ai có được. Tôi từng sống những ngày chỉ biết đến đám đông, giữa sự tung hô, những lời khen ngợi, thậm chí cộc cằn thô lỗ đến khó chịu nếu ai đó chê mình điều gì, những góp ý dù có đúng cách mấy tôi cũng sẽ giả vờ nghe và sau đó khinh khỉnh sau lưng. Đó là tôi, của hai mươi mấy năm trước khi nằm trên giường bệnh.

Có đợt tôi bệnh nặng, cơ thể yếu ớt sau cơn phẫu thuật, xung quanh lại không có người thân. Thời gian đó, tôi còn không được làm gì, không được làm việc, không được hả hê tự hào với những kết quả công việc mình làm được. Thậm chí tôi không được tập trung, không được đọc sách, gần như mọi hoạt động chỉ đơn giản là nằm ở giường bệnh, đi ra đi vào, xem cái gì đó vui vui, nói chuyện với vài người, rồi lại đi ngủ sớm. Dĩ nhiên là tôi rơi vào trầm cảm ngay khi thể chất bị hạn chế, va cả điều mà làm tôi vốn dĩ rất tự hào – trí nhớ tốt, những quan hệ rộng, số đông cổ vũ ủng hộ khen ngợi ngoài kia, bỗng biến mất trong vòng một nốt nhạc.

Khi nằm nhìn trần nhà, tôi đã tự hỏi: Rốt cuộc, mình có được gì? Mình là ai giữa cuộc sống này? Và câu hỏi quan trọng nhất với tôi thời điểm đó là: Điều gì là quan trọng trong cuộc sống của tôi bây giờ?

Tôi nhận ra không còn điều gì là quan trọng nhất hay là quan trọng nhì nữa. Chỉ có mình tôi, ở đây, một thể chất yếu ớt, một tinh thần mỏng manh, một cái nhìn lờ đờ, một bàn tay cầm ly nước cũng run rẩy, một gương mặt xám xịt vì uống thuốc quá nhiều. Điều quan trọng nhất vốn dĩ luôn được thấy hàng ngày nhưng lại ít được chú ý nhất: bản thân mình. Tiếp đến là gia đình. Rồi bạn bè thân, những sở thích cá nhân của mình, những điều gần gũi với mình nhất, những thứ mình không thể sống được nhưng mình lại đối xử với nó tệ hại nhất. Nếu mà trên giường phẫu thuật hôm trước, có vấn đề gì xảy ra, thì đâu là những điều/những người mà tôi hối hận nhất vì chưa làm/chưa dành nhiều thời gian cho họ? Tôi tự hỏi mãi câu này, và từ đó về sau, tôi bắt đầu học và có được khái niệm sắp xếp những điều quan trọng trong chính cuộc sống của mình.

Tình yêu và Ý nghĩa của nó

Tôi luôn tự hỏi khoảng trống mênh mông và sự buồn khổ như chết đi sống lại sau khi chia tay một mối tình, sau này nhờ Mark Manson giải thích rất rõ ở trên, tôi mói nghiệm ra là lời giải thích này hoàn toàn hợp lý với tôi: “That feeling of emptiness we all feel when we lose someone we love is actually a lack of meaning and lack of identity”. Lúc chia tay, tôi từng nói với người yêu cũ rằng, tôi cảm thấy cuộc sống không có anh thì không còn ý nghĩa gì nữa. Okay, nghe rất Hàn Quốc, nghe như một câu chuyện tình lâm ly bi đát chuẩn bị diễn ra, thế nhưng để tôi diễn giải thế này. Ai từng trải qua tình yêu đều có những ước mơ muốn thực hiện cùng người đó, ví dụ như muốn đi cùng người mình yêu đến năm châu bốn bể, hoặc có thể cùng gầy dựng sự nghiệp chung, hoặc là đơn giản chỉ là cảm giác “về nhà” khi nhìn thấy người mình yêu. Rồi một ngày, những ước mơ đó không còn, cảm giác “mất đi ý nghĩa” thực ra là “mất đi ước mơ chung”, điều đó dễ làm chúng ta cảm thấy trống vắng. Cuộc sống mà thiếu những ước mơ, thì trống trải biết bao.

Từ sau mối quan hệ với người yêu cũ, tôi nhận ra là lời khuyên về một thế giới của riêng mình và những ước mơ của riêng mình luôn là lời khuyên đắt giả và không bao giờ thừa. Chí ít, những ước mơ và thế giới riêng của bản thân không làm ta chông chênh và cảm thấy cuộc sống bớt đi phần ý nghĩa chỉ vì thiếu vắng một ai đó trong đời.

Điều quan trọng và là điều tôi tâm đắc khi nghiền ngẫm cả ba thứ tưởng chừng không liên quan ở trên nhưng thực ra thì rất liên quan đó chính là: Thay vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời này, hay ý nghĩa của cuộc sống này, hay ý nghĩa của từng chuyện xảy ra trong cuộc sống này, có khi nào thực ra, chính chúng ta đã là một ý nghĩa rồi không? Có thể là ý nghĩa với chính chúng ta, hay chúng ta là điều ý nghĩa với người khác mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn không nhận ra. Việc chúng ta bây giờ tập trung vào sống, chứ không có nghĩa là phải tìm ra “meaning of life” rồi mới sống theo thứ mà chúng ta suy nghĩ được.

Nhưng nếu bạn vẫn khăng khăng muốn đi tìm “meaning of life” đúng nghĩa? Tôi khuyên bạn nên đẩy bản thân mình vào những nghịch cảnh và trải nghiệm một thế giới quan khác biệt chưa từng có với bạn trước đây. Có thể nghịch cảnh là vừa nghỉ công việc với mức lương cao ngất ngưỡng, hoặc chia tay người mình yêu thương, hoặc gia đình trải qua nhiều cú shock đau buồn. Ai rồi cũng sẽ gặp nghịch cảnh cả, quan trọng là sớm hay muộn, thế nên hãy chuẩn bị tinh thần để hiểu thêm về cuộc đời và cuộc sống vào những phút giây tưởng chừng chán nản và tuyệt vọng nhất đó, thường thì nghịch cảnh cũng rất éo le, nó sẽ đến với bạn vào những lúc bạn không trông đợi nhất…